có ai đó hok về nhà đc vào ngày này hok?



3/3 đến rùi, ngày hàn thực ấy mà, có bạn nào wen ngày này hok?
ngày này mà hok đc về nhà và măm bánh thì tiếc thật! vì đã là ngày Tết thì fai có một chút không khí tết chứ, vậy nên t cóp một chút vào đây nhá^^

Cứ độ mùng 3/3 âm lịch hàng năm, trong cái se lạnh của tết nàng Bân, người dân Việt Nam lại cùng nhau ăn một cái tết nguội – tục truyền gọi là tết Hàn Thực.

Từ trước đó hàng tuần, những bà mẹ Hà Nội ra chợ chọn mua gạo nếp, đỗ xanh, cân đường kính, trăm đường phên, đôi lạng vừng hạt, bột đao và không quên một lọ nước hoa bưởi hay dầu chuối. Ngày tết này chỉ cần có thế.

Trong buổi đêm ngày mồng 2/3 âm lịch, hoặc sớm hơn, có thể từ buổi chiều, người trong các nhà đã lo ngâm đỗ, xay gạo. Cối đá xay tay tuy hơi chậm, lại nặng nhọc, nhưng bột xay qua hai lần rất nhỏ và mướt. Nhà nào có nước giếng khơi trong hay nước mưa hứng tàu cau để lắng qua bể lớn, mà đem xay bột thì bột sẽ ngọt và thơm lắm đấy.

Có người đơn giản, vội vàng, không chịu tốn công xay bột nước, thì ra chợ mua sẵn bột khô về nhào nước, ủ qua một vài tiếng cho mềm. Nhưng mà hãn hữu lắm, bởi bột khô to cát, lại để qua hàng tháng trời, có khi hơn thế, thì lấy đâu ra cái mịn mềm, mướt mát, thơm tho của bột nước xay gạo mới. Tuy nhiên, gạo làm bánh trôi, bánh chay dứt khoát phải kén được thứ nếp cái hoa vàng, thứ gạo tròn hạt, đều tay, như các cụ khoe là nếp đếm trăm được. Ngặt lắm mới phải vời tới tang nếp quýt, thế mới có được hương thơm, sắc trắng cũng như độ dẻo mướt cho bánh.

Cái thức gạo chọn lựa xay bột đã cầu kì, tinh tế, âu cũng là ngấm cái cung cách ăn uống người Hà Nội, nhẹ nhàng mà kiểu cách. Nhưng sự tích về hai loại bánh này còn gây nhiều tranh cãi.

Theo huyền tích Việt thì chính Long Nữ vợ Kinh Dương Vương đã mang nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt the, dệt lụa dạy cho dân Bách Việt và từ đó người Việt cổ đã biết dùng quần áo để che thân thay cho vỏ cây như hồi quốc sơ. Nhân dân Bách Việt biết ơn Nam phương Thánh mẫu nên khi bà qua đời được suy tôn là Bà chúa Tằm, bà chúa vùng Lĩnh Nam. Nam phương Thánh mẫu mất ngày mồng 3 tháng 3 nên ngay từ hồi đó cư dân Bách Việt đã chọn ngày mồng 3 tháng 3 là ngày Quốc lễ. Dân gian làm bánh Trôi bánh Chay dâng lên Thánh mẫu với tất cả lòng thành kính.

Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, công tử Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh hoạn nạn, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn. Sau mười chín năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại được trở về nắm giữ Vương quyền nước Tần. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi. Tử Thôi cũng không oán giận gì (vì nghĩ việc giúp đỡ Trùng Nhĩ là một nghĩa vụ của kẻ bề tôi) và đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được, liền sai đốt rừng để Tử Thôi phải ra. Nhưng Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy. Hôm ấy đúng ngày mồng năm tháng Ba. Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn. Người quanh vùng thương Tử Thôi nên hằng năm, từ ngày mồng Ba đến ngày mồng Năm tháng Ba (ba ngày) thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn. Đến thời Lý Công Uẩn (1010 – 1225) thì dân Việt tiếp nhận nhưng mà nấu bánh trôi, chay.

Cho đến giờ, quá khứ đã quá xa xôi, là tục lệ của đất nước nào cũng không còn quan trọng nữa. Chỉ biết rằng cách làm cũng như cách thưởng thức thì đâu cũng giống nhau. Nhất là người Việt Nam, mỗi lần ăn là một lần thêm Tết, gia đình quây quần đông đủ cùng nhau làm và thưởng thức. Cứ cho chín phần nếp, cho một phần tẻ, cùng lắm là cho đến non hai phần tẻ. Cho ít tẻ thì bánh dính và chảy, không thành hình tròn đẹp, cho nhiều tẻ thì bánh cứng, ăn dai.

Còn đỗ để làm nhân bánh, kén được giống đỗ tiêu hạt nhỏ nhưng thơm, được thứ đỗ lòng hơi xanh xanh là hay nhất. Ðỗ mỡ hạt to, lòng vàng, vo đãi thì nhanh, song kém đậm, kém thơm. Ðỗ được cho lên chõ hấp chín tơi, đem giã mịn, xào với đường kính trắng làm nhân bánh chay. Lạng đường, lạng đỗ thì tha hồ mà ngọt. Còn đường làm nhân bánh trôi phải chọn đường phên Dương Liễu, Cát Quế gói trong những tấm lá chuối khô buộc rơm vàng, đem ra chặt làm sáu, hay làm chín tuỳ theo nếp quen từng nhà. Mỗi viên nhỏ sẽ làm nhân cho một chiếc bánh trôi.

Bột nếp xay sau khi cho vào một chiếc túi vải thôi treo lên qua đêm, ít nhất cũng là qua 3,4 tiếng, bây giờ đã ráo nước. Bột được dỡ ra một chiếc mâm sạch, được nhào lại cho nhuyễn. Bây giờ đã đến giờ nặn bánh và luộc bánh, thời khắc đông vui, náo nhiệt nhất trong mỗi nhà. Nhân những lúc như thế này, bà thường dạy cháu, mẹ thường dạy con cách bẻ bột, vào nhân, luộc bánh sao cho vừa độ.

Nồi nước luộc bánh đã sôi bùng. Nhẹ tay lần lượt thả từng chiếc bánh một chứ không thể tiện tay đổ ào cả mẻ. Vì sẽ làm nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh.Bánh chín vớt ra, được ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho săn mình trở lại. Khi vớt bánh, bày bánh lên bát, lên đĩa, người nội trợ chấm thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm trên mặt bánh, như thể rắc thêm lên bầu trời trong vắt những vì sao lấp lánh. Thế rồi, người ta chan vào bát bánh chay một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Rồi tuỳ theo từng nhà, sẽ rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín mà còn nguyên hình hoa cau. Thế là bát bánh nom tựa như một đoá hoa cánh trắng, nhuỵ vàng được bao bọc trong một làn sương huyền ảo, mơ màng.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những món ăn riêng để con cháu họ nhớ về cội nguồn. Người Nga có bánh mỳ và muối. Dân Mông cổ có thịt cừu và sữa dê. Người Pháp vùng Bordaux có rượu vang nổi tiếng. Người phương Tây đến Việt nam chỉ nhớ món phở và nhớ luôn bằng tiếng Việt, nhưng người Việt sang phương Tây chỉ nhớ mùi nếp, thơm phảng phất mà lâu tan. Họ sẽ thấy lại niềm yêu thương giống nòi “máu đỏ da vàng”, và hạt nếp dẻo vẫn đang âm thầm đoàn kết gắn bó chúng ta.

Mong rằng có bao nhiêu năm tháng có qua đi, cái hồn gạp nếp thơm hương làm nên bao thứ bánh chất đầy hồn dân tộc sẽ tồn tại mãi với thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nghìn năm trước đến nghìn năm sau. Khi còn người Việt trên trái đất này thì bánh trôi bánh chay vẫn mãi sẽ là biểu tượng của dân tộc, sự đoàn kết và trường tồn của đất nước có từ thuở sơ khai lập nghiệp.

(Theo Vietnamnet)

Comments :

2 comments to “có ai đó hok về nhà đc vào ngày này hok?”

BoBo nói... on 

Hôm trước có ăn một đĩa bánh trôi ở Tài Chính,:D,không được ngon lắm nhưng vẫn thấy là lạ !!!!

shadowof_kienfatxit nói... on 

t ăn bánh trôi, bánh chay của bà, mẹ và của Hà Nội nhiều lắm rui...nhưng chưa đc thưởng thức món nè ở Bắc Ninh, ko bít có hấp dẫn và delicious như bài viết nè hok ^.^

Đăng nhận xét